Trong không khí hân hoan của những ngày tháng Tư lịch sử, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chi bộ Văn phòng 5 thuộc Đảng bộ Trường Đại học Tài chính – Marketing đã tổ chức chuyến về nguồn kết hợp sinh hoạt chuyên đề tại Khu tưởng niệm các Vua Hùng - phường Long Bình, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động nằm trong Nghị quyết và Chương trình làm việc của Chi bộ năm 2025. Bên cạnh đó, hoạt động nhằm làm phong phú thêm nội dung các buổi sinh hoạt chuyên đề và điều kiện cho các đồng chí đảng viên thuộc Chi bộ Văn phòng 5, các công đoàn viên ưu tú có điều kiện về nguồn, tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử. Chuyến đi đã giúp đoàn hiểu sâu sắc hơn về truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông, từ đó hun đúc lòng tự hào dân tộc và tinh thần hướng về cội nguồn, bên cạnh đó, thắt chặt tình đồng chí, đồng nghiệp, giúp các công đoàn viên ưu tú có tinh thần phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Đền Tưởng niệm các Vua Hùng tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc hiện đại kết hợp với yếu tố truyền thống dân tộc, tọa lạc trên khu đất rộng lớn với diện tích 400 ha. Khu đền tưởng niệm nằm trên một quả đồi cao hơn 20 m so với mặt nước biển, thuộc công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc (phường Long Bình, thành phố Thủ Đức), cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 km. Công trình được hoàn thành năm 2009. Hạng mục Đền tưởng niệm gồm 4 phần chính: quảng trường, đường tre, đền thờ và sân vọng. Ngay lối vào là quảng trường vuông vức rộng 4.000 m², với nền được thiết kế mô phỏng hình mặt trời trên trống đồng Đông Sơn. Hai bên quảng trường có 18 cột đá cao 6m tượng trưng cho 18 đời vua. Từ quảng trường dẫn lên đền là con đường tre dài 360 m và rộng 10 m, được xây dựng uốn lượn theo triền dốc của quả đồi, tạo nên một cảnh quan đặc sắc. Ở giữa đường là nhà bia, đặt bia đá khắc nội dung ca ngợi công đức của tổ tiên và niềm tự hào lịch sử, truyền thống đấu tranh của dân tộc Việt Nam.

Chi bộ chụp hình tại lối vào Đền tưởng niệm các vua Hùng
Điểm đặc biệt của lối lên Đền là hàng tre xanh mát tỏa bóng hai bên gợi nhớ đến hình ảnh làng quê Việt Nam thanh bình và con đường làm bằng đá với 107 bậc thang. Điểm cuối của công trình là Đền tưởng niệm các vua Hùng, nằm trên đỉnh đồi. Công trình đền tưởng niệm được thiết kế với mặt bằng hình vuông, xoay một góc 45 độ so với trục chính, tạo nên sự độc đáo trong kiến trúc.

Chi bộ thăm quan hàng tre tại lối vào Đền tưởng niệm các vua Hùng /span>
Tổng thể Đền gồm ba hạng mục nhỏ là sân lễ, sân hội và sân vọng. Ban thờ chính của Đền trong sân lễ là nơi thờ Quốc tổ Hùng Vương, Tổ phụ Lạc Long Quân, Tổ mẫu Âu Cơ, Đất và Nước. Hai bên là 8 gian thờ Lạc Hầu, Lạc Tướng, Lạc Dân, Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, An Dương Vương, Trưng Nữ Vương... Hai bên khu vực đền thờ là dãy hành lang trưng bày 33 bia đá khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Quanh đền là các hình ảnh, họa tiết về thời đại Hùng Vương. Sân hội ở tầng một của đền được xây dựng chủ yếu bằng đá, mang kiến trúc đương đại với những đường nét, mảng khối mạnh mẽ. Điểm nổi bật là mỗi hàng hiên có 15 cột biểu thị cho 15 bộ lạc tạo lập nước Văn Lang. Tầng thượng hình vuông gọi là Sân vọng, chính giữa có một khoảng sân được gọi là Âm bản trống đồng. Hình tròn và vuông ở đây tượng trưng cho trời và đất. Chính giữa sân là một tiểu đình hai lớp mái. Nơi đây có 54 cột đá tượng trưng cho các dân tộc Việt Nam. Trong tiểu đình đặt phiên bản trống đồng Hoàng Hạ (Hòa Bình), có niên đại khoảng 2.000 - 2.500 năm. Không gian Đền Hùng ở Thành phố Hồ Chí Minh gợi sự giao hòa trời đất, tạo nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với tầm nhìn hướng về quê cha đất tổ của những người con phương Nam.Vào các dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm (10/3 Âm lịch), nhiều lễ hội được tổ chức ở đây. /span>


Chi bộ nghe thuyết minh và dâng hương tại Điện thờ trong

Đền tưởng niệm Chi bộ tham quan, trao đổi, thảo luận và chụp hình lưu niệm tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong Đền tưởng niệm
Chuyến về nguồn có ý nghĩa thiết thực, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lòng biết ơn, truyền thống dựng nước, giữ nước của ông cha ta, ghi sâu lời dạy của Bác Hồ “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Để có được thành công của chuyến đi đoàn xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến Đảng ủy Trường Đại học Tài chính – Marketing và Ban Quản lý khu Tưởng niệm các Vua Hùng đã tạo điều kiện và hỗ trợ nhiệt tình cho hoạt động về nguồn lần này.
Chi bộ Văn phòng 5