Khái quát hoàn cảnh ra đời, nội dung cốt lõi của Di chúc
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc lần đầu tiên vào tháng 5 năm 1965 nhân dịp sinh nhật lần thứ 75 của Người và mỗi năm cứ đến dịp sinh nhật Bác lại lấy ra xem, đọc lại và có những chỉnh sửa nhất định. Bản Di chúc Bác chỉnh sửa cuối cùng và hoàn thiện được thực hiện vào dịp sinh nhật năm Bác 79 tuổi. (19/05/1969). Di chúc của Người ra đời trong bối cảnh đất nước vẫn còn đang tiếp tục cuộc kháng chiến ác liệt chống đế quốc Mỹ xâm lược và khát vọng được độc lập, tự do thực sự của dân tộc Việt Nam vẫn chưa được trọn vẹn. Đây cũng là nỗi trăn trở lớn lao của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam và thông qua bản Di chúc, Người đã ghi lại những lời dặn dò rất chân thành, rất tâm huyết dành cho toàn thể dân tộc Việt Nam để mỗi người luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu chung của dân tộc: Đất nước hoàn toàn độc lập, Nhân dân được quyền hưởng tự do, hạnh phúc.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tài sản tinh thần vô giá, mãi mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam trong mọi giai đoạn cách mạng, đặc biệt là trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong Di chúc, Người đề cập đến nhiều vấn đề trong đó điều được Người đặc biệt quan tâm chính là công việc đối với Đảng. Người dặn dò: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (Hồ Chí Minh, tr. 622). Thực hiện những lời dặn dò tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, từ khi trở thành Đảng cầm quyền đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc xây dựng Đảng, luôn tự chỉnh đốn, tự đổi mới để nâng cao năng lực và sức chiến đấu để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn, sự kỳ vọng ngày càng lớn của nhân dân. Nhờ sự nỗ lực đó mà cho đến nay Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với vận mệnh của dân tộc với những biểu hiện cụ thể như: kinh tế không ngừng phát triển, chính trị - xã hội ổn định, đối ngoại rộng mở, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, vì thế trong bản Di chúc, Người đã đặc biệt căn dặn rằng: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” (Hồ Chí Minh, tr.622). Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc, là yếu tố quyết định đến thắng lợi của cách mạng trong đó đoàn kết trong Đảng chính là hạt nhân của đoàn kết toàn dân và giữ gìn đoàn kết tốt trong Đảng cũng chính là vấn đề sống còn của cách mạng, Đây là những tư tưởng vượt thời gian mà Người đã để lại trong Di chúc, cũng là ngọn đuốc soi đường cho Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.
Cùng với những lời dặn dò về công tác xây dựng Đảng thì Người cũng dành sự quan tâm sâu sắc đến đoàn viên thanh niên. Trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là đội hậu bị của Đảng, là người chủ tương lai của đất nước, là những người luôn năng động, sáng tạo trên mọi mặt trận do vậy Đảng cần phải chăm lo bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho họ để cung cấp cho xã hội những công dân ưu tú, toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ. Bác căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” (Hồ Chí Minh, tr.622). Lời dặn dò cuối cùng của Bác trong Di chúc đối với công tác thanh niên là cơ sở lý luận quan trọng để Đảng ta tiếp tục đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn nhằm xây dựng lực lượng thanh niên lớn mạnh về mọi mặt đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc và tình yêu thương bao la của Người dành cho mọi tầng lớp nhân dân. Trước khi sắp phải từ biệt thế giới này, Người vẫn không quên quan tâm và căn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” (Hồ Chí Minh, tr.622). Đây là ham muốn tột cùng trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người và cũng là tâm nguyện, khát khao mà Người luôn mong muốn hướng đến đó là chăm lo thật tốt cho nhân dân cả về đời sống vật chất và đời sống tinh thần.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không dài, chỉ khoảng hơn 3 trang giấy nhưng đó là sự cô đọng nhất những tình cảm, khát vọng, lý tưởng mà Người đã dành cả cuộc đời đế phấn đấu và cống hiến. Di chúc của Người là sự thể hiện một cách đầy đủ nhất, rõ nét nhất tình cảm của Người dành cho đất nước, cho dân tộc. Khi đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết thì tình cảm ấy của Người vẫn luôn kiên định và đến hơi thở cuối cùng Người vẫn dành trọn cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam. Những lời dặn dò ân cần, chu đáo đó cũng chính là sự gửi gắm, sự động viên, sự trông đợi vào một nước Việt Nam ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam - Hồ Chí Minh
Một số kết quả nổi bật sau 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện Di chúc của Người, Đảng đã tập trung sức lực và trí tuệ lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành công cuộc cách mạng đưa cả nước đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn. Mặc dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, vừa phải thường xuyên đối phó với những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, vừa phải xây dựng cuộc sống mới từ một nền kinh tế lạc hậu, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, vừa phải làm nghĩa vụ quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã phấn đấu gian khổ và thu được những kết quả hết sức quan trọng, khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh; tiến hành thắng lợi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
2.1.Kinh tế phát triển, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao
Sau 55 năm kể từ ngày Bác đi xa, đất nước ngày càng giàu mạnh, Nhân dân được sống trong độc lập, tự do.
55 năm qua, thực hiện Di chúc của Người và sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 40 năm qua với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỉ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 USD năm 2023; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500 USD). Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp và dịch vụ phát triển khá nhanh, liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 88% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2023 đạt gần 700 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 355 tỉ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 28 tỉ USD; Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỉ USD vào năm 2023. Đầu tư nước ngoài liên tục phát triển, vốn đăng ký tăng 32%, vốn thực hiện tăng 3%, đạt 23 tỉ USD trong năm 2023, cao nhất từ trước đến nay; và Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu ASEAN về thu hút FDI. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức quốc tế đánh giá đứng thứ 46/132 nước được xếp hạng.
Việt Nam có gần 80% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2022, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,737, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có trình độ phát triển cao hơn. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng.
Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2014; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 20 lần trong gần 40 năm qua; có gần 99% số người lớn biết đọc, biết viết. Diện bảo hiểm y tế bắt buộc và tự nguyện đến nay đã đạt mức 93,35% (năm 1993 mới chỉ là 5,4%); y tế phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được tăng cường. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2023.
Tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên các lĩnh vực. FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh với gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng 8 bậc, xếp thứ 107/193. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, toàn diện, là điểm sáng ấn tượng.
Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.
2.2.Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, vị thế đất nước ngày càng cao trên trường quốc tế
55 năm qua, Đảng ta kiên định lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; trở thành tư tưởng chính trị chủ đạo trong đời sống của đất nước.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được được đẩy mạnh, được tổng kết qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, chỉ tính riêng 10 năm gần đây, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, các Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương đều bàn và ban hành những nghị quyết, kết luận, quy định hết sức quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lần sau sâu sắc, toàn diện và cụ thể, rõ ràng hơn so với lần trước. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Đảng và xã hội. Đặc biệt, Chỉ thị số 05- CT/TW và Kết luận 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đã góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tạo ra những đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ trong phong trào học tập và làm theo Bác, đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiên tiến, điển hình, thực sự có sức lan tỏa trong xã hội, khơi dậy tình cảm, động lực, tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và mong muốn cống hiến, phụng sự đất nước trong mọi tầng lớp xã hội, cổ vũ toàn thể Nhân dân ta kiên định, hăng hái, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Thông qua quá trình tự đổi mới và chỉnh đốn, Đảng được củng cố, bảo vệ và phát triển, đáp ứng yêu cầu và tình hình nhiệm vụ cách mạng đặt ra, khẳng định được vị thế là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, xã hội, có vai trò quan trọng đối với những thành công to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới.
2.3.Đảng luôn quan tâm chăm lo, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ, coi đây là lực lượng kế tục trung thành sự nghiệp cách mạng.
Các cấp ủy đảng đã lãnh đạo hệ thống chính trị, toàn xã hội thực hiện tốt hơn công tác thanh niên và chăm lo xây dựng Đoàn. Đảng đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; Nhà nước đã ban hành Luật Thanh niên, Chiến lược phát triển thanh niên và nhiều chính sách về công tác thanh niên, tạo điều kiện, cơ hội cho thanh niên rèn luyện cống hiến trưởng thành. Công tác đoàn và phong trào thanh niên từng bước phát triển, mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên được mở rộng, số thanh niên trở thành đoàn viên, đảng viên ngày càng tăng. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh niên, công tác thanh niên đã có chuyển biến tích cực.
Công cuộc đổi mới đất nước đã xây dựng được thế hệ thanh niên thời kỳ mới có đạo đức, nhân cách, tri thức, sức khỏe, tư duy năng động và hành động sáng tạo; nêu cao lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; không ngại khó khăn, gian khổ, tình nguyện vì cộng đồng; có trách nhiệm với gia đình, xã hội; có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; mong muốn được tin tưởng, được cống hiến cho đất nước; luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và tiền đồ phát triển của đất nước.
2.4.Công tác Ngoại giao tạo nên vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Thực thi đường lối đối ngoại đúng đắn theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Đặc biệt, nước ta hiện đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất và chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của ASEAN, tổ chức Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lý luận, chính sách “ngoại giao cây tre” đã tạo những bước ngoặt có tính lịch sử, thay đổi về chất trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác lớn, tạo nên vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.